Bầu cử tổng thống Mỹ

Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ là một “trò chơi chiến thuật” thú vị với các quy định riêng, trong đó mỗi bang giống như một cứ điểm cần chiếm đóng. Người dân sẽ đi bầu để chọn người lãnh đạo nước Mỹ, nhưng quá trình từ lá phiếu đến kết quả có chút “loạn”. Bài viết này sẽ giải thích đơn giản các “luật chơi”, giúp bạn hiểu rõ cách mà một ứng viên trở thành tổng thống Mỹ.

1. Cử tri và Đại cử tri: Ai mới là người quyết định?

Cử tri (voter) là những người dân đi bầu, họ sẽ bầu cho ứng cử viên mà họ muốn. Phiếu của họ được gọi là phiếu phổ thông (popular vote).

Đại cử tri (elector) là những người đại diện cho cử tri của mỗi bang. Mỗi bang sẽ có số đại cử tri tương ứng với dân số của bang đó, bang càng đông dân thì số phiếu đại cử tri (electoral vote) càng nhiều.

Phiếu phổ thông sẽ quyết định kết quả bầu cử của bang, còn phiếu đại cử tri mới là yếu tố quyết định ai sẽ lên làm tổng thống. Mối liên hệ giữa 2 loại phiếu, làm thế nào để đảm bảo tính dân chủ trong bầu cử sẽ được giải thích rõ hơn ở các nội dung phía sau.

Để chiến thắng tranh cử, ứng viên cần đạt được ít nhất 270 phiếu đại cử tri, đây là con số tối thiểu để chiếm đa số (>50%) trong 538 phiếu trên toàn bộ nước Mỹ. Số phiếu của mỗi bang được phân chia theo kết quả điều tra dân số được thực hiện mỗi 10 năm một lần.

Mặc dù các bang đông dân sẽ có nhiều phiếu đại cử tri hơn, nhưng các bang dù lớn hay nhỏ đều có tối thiểu ba phiếu. Thủ đô Washington DC cũng được xem như một bang và có 3 phiếu. Quy định này nhằm bảo vệ quyền lợi của các bang nhỏ ít dân như Alaska hay Wyoming, khiến các ứng viên không thể chỉ tập trung vào các bang lớn đông dân mà bỏ quên các bang nhỏ ít dân.

Mỗi bang sẽ tổ chức bầu cử độc lập và quyết định cách tính phiếu của mình. Trong quá trình bầu cử, mỗi Đảng đều sẽ cử ra một nhóm đại cử tri bằng có số lượng người bằng đúng số lượng phiếu đại cử tri của bang đó. Đa số các bang chọn quy tắc “winner-take-all” (người thắng lấy hết).

Quy tắc “winner-take-all”: nếu như đa số người dân (>50% phiếu phổ thông) của một bang lựa chọn ứng viên của Đảng X thì toàn bộ số phiếu đại cử tri của bang đó sẽ thuộc về các đại cử tri của Đảng X.

Giả sử ông Donald Trump giành được >50% số phiếu phổ thông của bang California, thì toàn bộ 54 phiếu đại cử tri của bang này sẽ thuộc về 54 đại cử tri đến từ Đảng Cộng hoà.

Mục đích của quy tắc “winner-take-all” là để đảm bảo tính đơn giản và thúc đẩy các ứng cử viên cố gắng giành chiến thắng tại từng bang, không chỉ là thắng tổng số lượng phiếu.

Một số bang như Maine và Nebraska lại áp dụng cách chia phiếu linh hoạt hơn. Họ chia phiếu đại cử tri dựa trên kết quả ở từng khu vực nhỏ trong bang, giúp đại diện cho ý kiến của nhiều cử tri hơn.

Các bang ở Mỹ thường được chia thành 3 nhóm chính trị, dựa trên xu hướng bỏ phiếu:

Bang xanh (blue state) là các bang thường ủng hộ Đảng Dân chủ, như California và New York.

Bang đỏ (red state) các bang thường ủng hộ Đảng Cộng hòa, như Texas và Oklahoma.

Bang dao động (swing state) là các bang mà kết quả thường “khó đoán” và có thể thay đổi qua từng kỳ bầu cử, như Florida và Pennsylvania.

Các bang dao động (swing state) đóng vai trò quyết định và thường là tâm điểm trong các chiến dịch vận động tranh cử vì họ có thể bất ngờ  “quay xe”, tạo ra những cú “plot twist” kịch tính.

Mặc dù có quy định rõ ràng về việc đại cử tri bỏ phiếu cho ứng viên của đảng mình, vẫn có tình huống đại cử tri không bầu cho ứng viên của đảng mình, được gọi là đại cử tri bất trung (faithless elector). Trong lịch sử bầu cử của Mỹ, đã có không ít trường hợp xuất hiện đại cử tri bất trung.

Năm 2016 là cuộc bầu cử tổng thống hiếm hoi với 7 đại cử tri bất trung ở 3 bang khác nhau, nhiều nhất kể từ năm 1972, dẫn đến làm thay đổi số phiếu bầu cho ứng viên so với dự kiến:

Bang Hawaii Texas Washington
Ứng viên thắng
Hillary Clinton
Donald Trump
Hillary Clinton
Số phiếu dự kiến
04 phiếu
38 phiếu
12 phiếu
Số phiếu thực tế
03 phiếu
36 phiếu
08 phiếu

Hiện vẫn chưa có trường hợp nào ứng cử viên bất trung bỏ phiếu cho đối thủ trực tiếp của ứng viên mà họ cam kết ủng hộ. Thay vào đó, họ chọn ghi tên bỏ phiếu cho một người khác.

Mặc dù chưa có trường hợp nào đại cử tri bất trung làm thay đổi kết quả bầu cử. Tuy nhiên, đặt ra câu hỏi về tính hiệu quả và vai trò của Đại cử tri đoàn trong hệ thống bầu cử của Mỹ.

Trong một số cuộc bầu cử, một ứng viên có thể thắng phiếu phổ thông nhưng lại thua phiếu đại cử tri. Điều này xảy ra do hệ thống đại cử tri và quy tắc “winner-take-all” tại hầu hết các bang. Ứng viên có thể bị thua sát sao tại các bang lớn và mất toàn bộ số phiếu đại cử tri của các bang này, dù tổng số phiếu phổ thông cao hơn. Tình huống này đã xảy ra ở cuộc bầu cử năm 2000 và 2016.

Lý do hệ thống đại cử tri tồn tại là để bảo đảm rằng tổng thống không chỉ được chọn dựa trên số đông, mà còn phải đạt được sự ủng hộ từ nhiều khu vực địa lý khác nhau. Đây là một cách để đảm bảo rằng tổng thống đại diện cho toàn bộ đất nước, không chỉ các khu vực đông dân.

Ngày bầu cử tổng thống Mỹ diễn ra vào “thứ Ba sau thứ Hai đầu tiên của tháng 11”, bốn năm một lần. Nghĩa là ngày bầu cử sẽ rơi vào khoảng thời gian từ ngày 2/11 – 8/11. Vào ngày này, người dân (cử tri) đủ 18 tuổi hoặc lớn hơn trên khắp nước Mỹ sẽ đi bỏ phiếu.

Bỏ phiếu là không bắt buộc ở Mỹ, người dân (cử tri) có quyền không tham gia. Kết quả bỏ phiếu sẽ chỉ tính trên phiếu của những người tham gia. Tỷ lệ cử tri tham gia bỏ phiếu ở các bang thường chỉ dao động từ 50% – 70%.

Giả sử bang California có 40 triệu dân, nếu chỉ có 20 triệu dân tham gia bầu cử thì tổng số phiếu phổ thông của cả bang lúc này là 20 triệu. Khi đó, ứng viên nhận được >10 triệu phiếu phổ thông (>50%) sẽ giành toàn bộ 54 phiếu đại cử tri của bang California.

Khi kết quả tại từng bang được xác định, các bang sẽ lần lượt công bố người chiến thắng. Ứng cử viên đạt được tối thiểu 270 phiếu đại cử tri sẽ trở thành tổng thống. Quá trình kiểm phiếu thường kết thúc trong vài ngày, nhưng một số bang đông dân và bầu qua thư có thể mất nhiều thời gian hơn.

Tổng kết: "luật chơi" để trở thành tổng thống Mỹ

– Người dân (cử tri) đi bầu cho ứng viên mà họ ủng hộ vào ngày bầu cử, phiếu phổ thông của họ sẽ quyết định ai sẽ là người được nhận các phiếu đại cử tri của bang đó.

– Hệ thống đại cử tri giúp duy trì sự cân bằng giữa các bang, tránh tình trạng các bang nhỏ ít dân bị lu mờ bởi các bang lớn đông dân.

– Mỗi bang thực hiện tổ chức bầu cử độc lập. Phần lớn các bang sử dụng quy tắc “winner-take-all”, ngoại trừ một vài bang lựa chọn chia phiếu như Maine, Nebraska.

– Bang đỏ, bang xanh, và bang dao động là sự phân chia màu sắc bang theo xu hướng chính trị, tạo nên tính hấp dẫn của cuộc đua.

– Có tổng cộng 538 phiếu đại cử tri, ứng viên đạt từ 270 phiếu trở lên sẽ trở thành tổng thống.

Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ là một hành trình đầy cảm xúc, kịch tính, nơi mà kết quả không chỉ dựa vào số đông người ủng hộ mà còn có các yếu tố khác. Chính vì thế mà mỗi mùa bầu cử tổng thống Mỹ đều trở thành một “cuộc đua” đáng nhớ trong lịch sử chính trị thế giới.